Lịch sử Tăng áp lực nội sọ vô căn

Bác sĩ người Đức Heinrich Quincke là người đầu tiên mô tả bệnh này vào năm 1893 dưới tên viêm màng não huyết thanh (serous meningitis)[27] Năm 1904, Bác sĩ người Đức Max Nonne đề xuất thuật ngữ "giả u não" (pseudotumor cerebri).[28] Nhiều trường hợp khác cũng được ghi chép trong y văn, nhưng tăng áp lực nội sọ lại là hậu quả của các bệnh khác.[29] Ví dụ, tràn dịch não viêm tai (otitic hydrocephalus) do nhà thần kinh học Luân Đôn, Sir Charles Symonds báo cáo có thể là biến chứng của huyết khối xoang tĩnh mạch do viêm tai giữa.[29][30] Năm 1937, bác sĩ giải phẫu thần kinh Walter Dandy tại thành phố Baltimore, Hoa Kỳ đề xuất các tiêu chuẩn chẩn đoán cho TALNS vô căn. Để điều trị bệnh, Dandy đề xuất phương pháp phẫu thuật giảm áp dưới thái dương.[17][29]

Thuật ngữ "lành tính" (benign) và "giả u" (pseudotumor) xuất phát từ thực tế là tăng áp lực nội sọ thường liên quan đến u não. Do đó, những bệnh nhân không tìm thấy khối u trong não thì được chẩn đoán là "giả u não" (một căn bệnh "bắt chước" các triệu chứng của u não). Năm 1955, bệnh này được đổi tên thành tăng áp lực nội sọ lành tính (benign intracranial hypertension) để phân biệt với tăng áp lực nội sọ do các bệnh đe dọa tính mạng (chẳng hạn như ung thư);[31] tuy nhiên, thuật ngữ này cũng được cho là gây hiểu lầm vì bất cứ căn bệnh nào có khả năng gây mù cho bệnh nhân thì không nên được coi là lành tính. Do đó, năm 1989, bệnh được đặt tên là tăng áp lực nội sọ vô căn (không xác định được nguyên nhân, tiếng Anh: idiopathic intracranial hypertension).[32][33]

Phẫu thuật tạo shunt được giới thiệu vào năm 1949; ban đầu sử dụng phương pháp shunt não thất–phúc mạc. Năm 1971, shunt thắt lưng–phúc mạc được báo cáo là cho kết quả tốt hơn. Các báo cáo kết quả tiêu cực khi áp dụng phương pháp shunt trong thập niên 1980 đã khiến cho phương pháp phẫu thuật mở cửa sổ thần kinh thị giác (ONSF) được ưa chuộng hơn trong giai đoạn 1988–1993. Kể từ đó, phương pháp tạo shunt chủ yếu được khuyến nghị, thỉnh thoảng có những trường hợp ngoại lệ.[5][9]